Các Loại Chứng Chỉ Tiếng Anh và Đối Tượng Sử Dụng (Phần 1)
Nhiều người khi tiếp cận với tiếng Anh thường hoang mang khi nghe tới các loại chứng chỉ tiếng Anh. Tuy nhiên, giữa rất nhiều chứng chỉ tiếng Anh khác nhau, họ thường khó phân biệt được mình cần loại chứng chỉ nào, nó phù hợp với môi trường nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp người học tiếng Anh có cái nhìn sâu sắc hơn về các loại chứng chỉ tiếng anh và đối tượng sử dụng:
1. Chứng chỉ TOEIC (Test of English for International Communication)
TOEIC là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế về giao tiếp dành cho người đi làm, sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Chứng chỉ TOEIC phản ánh trình độ thành thạo Tiếng Anh trong các lĩnh vực như kinh doanh, thương mại, du lịch…được công nhận và sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
a. Đề thi
Đề thi TOEIC kiểm tra 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Nhưng phổ biến nhất là phần thi nghe, đọc và các bạn thí sinh thường chỉ đăng ký thi 2 phần này. Bài thi TOEIC là dạng bài thi trắc nghiệm, diễn ra trong 2 tiếng, gồm 200 câu hỏi chia đều cho 2 phần: đọc và nghe.
b. Thang điểm
Thang điểm TOEIC như sau:
- TOEIC 100 – 300 điểm: Trình độ cơ bản. Khả năng giao tiếp tiếng Anh kém.
- TOEIC 300 – 450 điểm: Có khả năng hiểu & giao tiếp tiếng Anh mức độ trung bình. Là yêu cầu đối với học viên tốt nghiệp các trường nghề, cử nhân các trường Cao đẳng (hệ đào tạo 3 năm).
- TOEIC 450 – 650 điểm: Có khả năng giao tiếp tiếng Anh khá. Là yêu cầu chung đối với sinh viên tốt nghiệp Đại học hệ đào tạo 4-5 năm; nhân viên, trưởng nhóm tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
- TOEIC 650 – 850 điểm: Có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt. Là yêu cầu đối với cấp trưởng phòng, quản lý điều hành cao cấp, giám đốc trong môi trường làm việc quốc tế.
- TOEIC 850 – 990 điểm: Có khả năng giao tiếp tiếng Anh rất tốt. Sử dụng gần như người bản ngữ dù tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ.
c. Đối tượng sử dụng
Đối tượng sử dụng của chứng chỉ TOEIC là những người làm việc trong môi trường quốc tế, hoặc có nguyện vọng xin việc tại công ty nước ngoài. Ở một số trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam, sinh viên bắt buộc phải có chứng chỉ TOEIC từ 450 điểm trở lên, mới đủ điều kiện tốt nghiệp.
d. Hiệu lực
Chứng chỉ TOEIC có hiệu lực trong vòng 2 năm, được công nhận và sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
2. Chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System)
Chứng chỉ IELTS là Kỳ thi quốc tế đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh, kiểm tra mức độ thông thạo ngôn ngữ tiếng Anh phổ biến nhất trên thế giới được chấp nhận cho mục đích làm việc, học tập và di trú. IELTS được coi là một trong những bằng có giá trị nhất tại nhiều trường học, tổ chức trên thế giới, đánh giá chính xác năng lực ngoại ngữ của thí sinh, nên được quốc tế công nhận rộng rãi.
a. Hình thức thi: Chứng chỉ IELTS có 2 hình thức thi cho bạn chọn:
- Academic – Học thuật: Dành cho những bạn muốn học ở bậc đại học hoặc các học viện, các hình thức đào tạo sau đại học.
- General training module – Đào tạo chung: Dành cho những bạn muốn tham gia khóa học nghề, muốn tìm việc làm, hoặc vì mục đích di cư.
Bài thi IELTS gồm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Phần thi nghe và nói sẽ thi chung, trong khi phần thi viết và đọc tùy vào việc bạn đăng ký hình thức Academic hay General.
b. Thang điểm của chứng chỉ IELTS:
- 9 – Thông thạo: Đã hoàn toàn nắm vững ngôn ngữ với một sự phù hợp, chính xác, lưu loát và thông hiểu hoàn toàn đầy đủ.
- 8 – Rất tốt: Hoàn toàn nắm vững ngôn ngữ, chỉ đôi khi mắc những lỗi như không chính xác, không phù hợp nhưng lỗi này chưa thành hệ thống. Trong những tình huống không quen thuộc có thể sẽ không hiểu. Sử dụng tốt với những chủ đề tranh luận phức tạp, tinh vi.
- 7 – Tốt: Nắm vững ngôn ngữ, nhưng đôi khi có những sự không chính xác, không phù hợp, không hiểu trong một số tình huống. Nói chung là sử dụng tốt ngôn ngữ phức tạp và hiểu những lý lẽ tinh vi.
- 6 – Khá: Sử dụng ngôn ngữ tương đối hiệu quả tuy có những chỗ không chính xác, không phù hợp, không hiểu. Có thể sử dụng và hiểu tốt ngôn ngữ phức tạp, đặc biệt là trong những tình huống quen thuộc.
- 5 – Bình thường: Sử dụng được một phần ngôn ngữ, nắm được nghĩa tổng quát trong phần lớn các tình huống, dù thường xuyên mắc lỗi. Có thể sử dụng ngôn ngữ trong những lĩnh vực riêng quen thuộc của mình.
- 4 – Hạn chế: Có sự thành thạo cơ bản bị hạn chế trong những tình huống quen thuộc. Thường có khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ phức tạp.
- 3 – Cực kì hạn chế: Có thể nói và hiểu trong những tình huống rất quen thuộc. Thường thất bại trong giao tiếp.
- 2 – Lúc được lúc không: Không có những giao tiếp thực sự ngoại trừ những thông tin cơ bản nhất với những từ ngữ riêng lẻ hoặc những cú pháp ngắn trong tình huống thông thường để đạt được mục đích tức thời. Khó khăn lớn trong việc nói và viết tiếng Anh.
- 1 – Không biết sử dụng: Hoàn toàn không có khả năng sử dụng tiếng Anh ngoài vài từ riêng lẻ.
- 0 – Bỏ thi: Không một thông tin nào để chấm bài. Người dự thi đã không thể tham dự kì thi.
c. Đối tượng sử dụng
Chứng chỉ IELTS dành cho những người muốn đi du học ở các nước nói tiếng Anh như: Anh, Mỹ, Canada, Úc….Hoặc những người muốn định cư, làm việc lâu dài ở nước ngoài. Ngoài ra, chứng chỉ này cũng là tiêu chuẩn đánh giá ngôn ngữ dành cho những sinh viên học ngành ngôn ngữ Anh và học viên sau đại học
d. Hiệu lực
Chứng chỉ IELTS có hiệu lực trong 2 năm.
3. Chứng chỉ TOEFL (Test of English as a Foreign Language)
TOEFL là bài kiểm tra năng lực tiếng Anh của ETS (Viện khảo thí về giáo dục của Mỹ) nhằm kiểm tra khả năng tiếng Anh của bạn trong môi trường học thuật, cụ thể tại các quốc gia nói tiếng Anh (Mỹ).
a. Dạng bài thi
TOEFL có 2 dạng:
- International TOEFL: là bằng do hệ thống giáo dục của Mỹ tổ chức thi và lấy bằng, được quốc tế công nhận.
- Institutional TOEFL (TOEFL nội bộ): do một tổ chức giáo dục hoặc trường tổ chức thi và cấp bằng. Bằng này không được công nhận rộng rãi như dạng trên.
Có 2 hình thức thi là online (TOEFL iBT) và offline (TOEFL CBT, TOEFL PBT). TOEFL iBT có ưu điểm là sử dụng máy tính để làm bài nên sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng khi phải đối diện trực tiếp với giám khảo trong phần thi nói và cũng bớt sai sót trong khâu chấm bài. Đây cũng là dạng bài được là lựa chọn nhiều nhất.
Bài thi TOEFL kéo dài trong 4 tiếng, đòi hỏi bạn phải thành thạo 4 kĩ năng: nghe, nói đọc, viết.
b. Thang điểm
- Thang điểm cho một bài thi TOEFL iBT là 0 – 120 điểm.
- Mỗi phần: Nghe, Nói, Đọc, Viết có thang điểm từ 0 – 30 điểm. Tổng điểm của cả bốn phần sẽ là điểm của bài thi.
c. Đối tượng sử dụng
Chứng chỉ TOEFL dành cho những người dùng tiếng Anh như một ngoại ngữ nhằm mục đích học tập nghiên cứu, mang tính hàn lâm. Vì thế các trường đại học ở Bắc Mỹ, Canada và các nước đang theo hệ thống giáo dục của Mỹ sử dụng TOEFL như một yêu cầu, điều kiện nhập học. TOEFL được coi như một tấm thẻ xanh cho những người muốn định cư ở các quốc gia nói tiếng Anh. Do đó, mức độ đề thi TOEFL khá khó và thay đổi nhiều dạng qua các năm. Nếu bạn muốn sở hữu tấm bằng này, bạn phải nỗ lực thật nhiều.
d. Hiệu lực
Chứng chỉ TOEFL cũng có giá trị trong 2 năm.
4. Chứng chỉ tiếng anh A1, A2, B1, B2, C1, C2 – Khung năng lực 6 bậc
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo đó, thay vì đánh giá năng lực tiếng Anh bằng các loại chứng chỉ A, B,C như trước kia, chúng ta cập nhật Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc được đánh giá dựa theo Khung trình độ chung châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh các nước.
a. Thang đánh giá
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và 6 bậc (từ 1 đến 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR). Cụ thể như sau:
Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam | CEFR | |
Sơ cấp | Bậc 1 | A1 |
Bậc 2 | A2 | |
Trung cấp | Bậc 3 | B1 |
Bậc 4 | B2 | |
Cao cấp | Bậc 5 | C1 |
Bậc 6 | C2 |
A1, A2, B1, B2, C1, C2 tương ứng 6 cấp độ năng lực ngôn ngữ của Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) với A1 là cấp thấp nhất (cấp độ 1), C2 là cấp cao nhất (cấp độ 6).
b. Đối tượng sử dụng
Khung năng lực 6 bậc là yêu cầu đối với chuẩn trình độ của cán bộ, công chức, viên chức (về ngạch, bậc, hoặc quy hoạch, bổ nhiệm) và trình độ đánh giá giáo viên Tiếng Anh phổ thông
Ngoài ra, khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc cũng được áp dụng để đánh giá trình độ tiếng Anh của sinh viên ở một số các trường đại học lớn ở Việt Nam như: trường đại học quốc gia Hà Nội, trường đại học Ngoại Ngữ- Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Cần Thơ…
c. Hiệu lực
Chứng chỉ tiếng anh A1, A2, B1, B2, C1, C2 – Khung năng lực 6 bậc có giá trị vĩnh viễn.